Giới thiệu

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART)

Thư ngỏ của Viện trưởng

 

 

 

 

Thưa Quý vị,

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, với một nền kinh tế thị trường tự do, một nhà nước thượng tôn pháp luật, một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Trọng tài thương mại là một trong các chỉ báo đo lường sự tiến bộ ấy. Kín đáo, nhờ được người có chuyên môn, hiểu chuyện kinh doanh, các bên tranh chấp có thể tham gia tố tụng thuận tiện, công bằng, bớt chi phí thời gian và tiền bạc, đó là chính những ưu thế của trọng tài. Nảy mầm cùng với quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp từ sau Đổi Mới, trọng tài thương mại đã trở nên quen thuộc với cộng đồng doanh nghiệp nước ta từ 30 năm nay. Hiện có 32 trung tâm trọng tài hoạt động trên toàn quốc với khoảng 500 trọng tài viên, góp phần giải quyết một phần các bất đồng trong kinh doanh.

Tuy vậy, số lượng vụ việc do trọng tài giải quyết còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 1% so với lượng án kinh doanh thương mại do tòa án thụ lý. Như thế kiềng ba chân, một liên minh cùng thúc đẩy kinh tế thị trường tự do và trọng tài đến từ nhận thức, nhu cầu và mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa của các tổ chức trọng tài và các trọng tài viên, và sự nâng đỡ, khuyến khích, giám sát, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài.

Lan tỏa tri thức, chia sẻ kỹ năng, kết nối giá trị toàn cầu, làm cho hoạt động trọng tài ngày càng chuyên nghiệp hơn, quốc tế hơn, đáng tin cậy hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, đó chính là mục tiêu của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về trọng tài. VIART, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, góp thêm một điểm kết nối và chia sẻ tri thức trọng tài.

VIART sẽ kết nối, thúc đẩy các sáng kiến chia sẻ hiểu biết về trọng tài, nhất là cho cộng đồng doanh nghiệp, cho sinh viên các trường kinh doanh, luật, kinh tế, thương mại. VIART thúc đẩy phát triển kỹ năng chuyên môn cho các bên tranh tụng, từ chuẩn bị hồ sơ, thu hẹp bất đồng, cho tới lập luận, minh chứng thuyết phục các bên liên quan. VIART cũng góp phần xây đắp các giá trị của các trọng tài viên, những người hành xử độc lập, vô tư, khách quan, góp phần tạo nên những giải pháp thỏa đáng, thấu lý đạt tình.

VIART mong đợi và cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ, cùng chung tay thúc đẩy các hoạt động trọng tài thương mại của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các tổ chức hành nghề, các tổ chức báo chí truyền thông, và đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới các địa phương. Tất cả những nỗ lực ấy cùng góp phần xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do, một nhà nước pháp quyền, dân chủ, công bằng, một nền công lý bền vững có sức kháng cự dẻo dai, mạnh mẽ trong thế giới biến động ngày nay./.

 

Giới thiệu chung

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) chính thức được thành lập vào năm 2021, trong bối cảnh các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs), đặc biệt là trọng tài thương mại, phát triển ngày một mạnh mẽ với nhiều bước tiến lớn trong xu thế nền tư pháp Việt Nam hội nhập với nền tư pháp quốc tế. Là đơn vị trực thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – tổ chức trọng tài lâu đời nhất trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp tại thị trường Việt Nam với gần 30 năm hoạt động, có thế mạnh về kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, sự thấu hiểu về thị trường trọng tài cũng như đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, VIART là sự kế thừa và tiếp bước trên một nền móng vững chãi, tập trung nguồn lực cho mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ADRs nói chung và trọng tài nói riêng tại Việt Nam. 

Sứ mệnh & Tầm nhìn

Thông qua hoạt động nghiên cứu và đào tạo, VIART mong muốn phổ cập kiến thức trọng tài, tập trung phát triển yếu tố con người, tất cả nhằm xây dựng một cộng đồng những người sử dụng và hành nghề trọng tài chuyên nghiệp; qua đó, hướng tới định hướng xu thế phát triển trị trường trọng tài nói riêng và ADRs nói chung tại Việt Nam.

Chức năng & Nhiệm vụ

Cơ cấu tổ chức

Ban Giám đốc

 

 

 

 

 

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa là học giả hàng đầu về luật và quản trị nhà nước ở Việt Nam. Ông tham gia giảng dạy môn Pháp luật và Quản trị Nhà nước, Chính sách công và Phương pháp Nghiên cứu Chính sách công. Ông là tác giả của nhiều sách giáo khoa và ấn phẩm khoa học về các vấn đề pháp lý và quản trị. Một trong những nghiên cứu của ông tập trung vào quản trị hiệu quả, bao gồm các kiến giải làm thế nào để tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình hoạch định chính sách cũng như làm thế nào để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa được công chúng rộng rãi biết đến thông qua các phân tích, bình luận thường kỳ trên các tờ báo và phương tiện truyền thông đại chúng hàng đầu của Việt Nam về các chủ đề như quyền cơ bản của công dân, tiếng nói và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước, chất lượng thể chế, chế độ pháp quyền và quyền tiếp cận công lý.

Ông Phạm Duy Nghĩa có bằng cử nhân và Tiến sĩ Luật Đại học Leipzig (CHDC Đức). Ông cũng là học giả Fulbright tại trường Luật, Đại học Harvard và nghiên cứu viên tại Đại học Stanford.Ông Phạm Duy Nghĩa cũng đã có nhiều năm hành nghề trong lĩnh vực trọng tài với nhiều cương vị như Trọng tài viên, Giảng viên, Nhà Nghiên cứu. Trước khi trở thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART), Ông đã có nhiều năm là Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp kinh doanh thương mại, bao gồm cả các vụ phức tạp, có giá trị lớn hay có yếu tố nước ngoài.

 

 

TS. Đỗ Văn Đại là nhà luật học, nhà giáo, luật gia người Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật So sánh. Trong cộng đồng khoa học ngành luật và đơn vị sự nghiệp công lập, ông là Trưởng khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ, Tòa án nhân dân tối cao, và giữ các vị trí khác như Trọng tài viên, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Phó Viện trưởng Viện Trọng tài, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC).

Ông là luật gia nổi tiếng của ngành luật Việt Nam, có nhiều năm học tập và nghiên cứu, giảng dạy tại Pháp và sau đó là trở về công tác ở Việt Nam. Trong quá trình công tác, ông đã thực hiện và công bố số lượng lớn công trình nghiên cứu luật chủ yếu về tư pháp, lĩnh vực luật dân sự, kinh doanh thương mại, nghiên cứu và bình luận bản án, được biết đến là nhà giáo có tâm huyết lớn với nghề giáo, nhà khoa học có các đóng góp cho quá trình phát triển án lệ, và là một trong những viện sĩ đầu tiên của Việt Nam tại một viện hàn lâm luật học quốc tế lâu đời và danh tiếng bậc nhất.

 

 

 

 

 

 

Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng có hơn 24 năm kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hàng hải, thương mại và đầu tư thông qua tố tụng và trọng tài quốc tế tại Việt Nam và các thẩm quyền tài phán khác như Singapore, Hồng Kông, Vương quốc Anh và Pháp.

Ông hành nghề chuyên biệt về mọi hình thức giải quyết tranh chấp quốc tế tại Việt Nam, bao gồm Đàm phán giải quyết tranh chấp, Tranh tụng trước tòa kinh tế và dân sự của các thành phố lớn tại Việt Nam, Trọng tài quốc tế được tiến hành theo Quy tắc UNCITRAL, ICC, JCAA, SIAC và Quy tắc trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Việt Nam.

Ông có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý tại Việt Nam và có sức ảnh hưởng đến lĩnh vực này theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: (i) Là thành viên tích cực của Ủy ban Soạn thảo Luật Trọng tài Thương mại – tham gia chặt chẽ vào quá trình soạn thảo của Luật Trọng tài Thương mại 2010; (ii) Bình luận về Luật Trọng tài thương mại năm 2010 các văn bản dưới luật và quy định hướng dẫn khác đối với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Việt Nam

Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1990, lấy bằng Thạc sĩ Luật tại Đại học Queen Mary, University of London năm 2008, chuyên sâu về giải quyết tranh chấp thương mại và quốc tế. Ngoài ra, với thành tích chuyên môn xuất sắc của mình, ông Dũng đã được bổ nhiệm làm giảng viên thỉnh giảng về trọng tài và hòa giải tại Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao và Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam.